Đối với các nhân vật chính diện (Thạch Sanh, cô Tấm, người em trong truyện Cây Khế...) tác giả dân gian không chỉ dừng lại ở sự phản ánh và cảm thông đối với những đau khổ, đắng cay, oan ức của họ mà còn đặc biệt quan tâm, tìm cách, tìm đường giải thoát cho họ để họ được đền bù xứng đáng. Nhờ vậy mà nhiều nhân vật chính diện trong truyện cổ tích đã được đổi đời, được đền bù thích đáng làm cho cả người kể lẫn người nghe đều hả hê, sung sướng (Sọ Dừa thi đổ trạng nguyên và lấy được con gái phú ông, Tấm trở thành hoàng hậu, Thạch Sanh lấy công chúa và lên làm vua...).
Đối với các nhân vật phản diện (Lí Thông, mẹ con nhà Cám, người anh tham lam trong truyện Cây Khế...) thì tác giả dân gian không chỉ phản ánh, tố cáo, lên án sự tham lam, ích kỉ. độc ác, dã man của chúng mà còn tìm cách loại trừ, tiêu diệt chúng để cho những người lương thiện được sống yên vui. Vì thế hầu hết các nhân vạt phản diện trong truyện cổ tích đều dẫn đến kết cục bi thảm và bị trừng phạt thích đáng. Mức độ và hình thức thưởng phạt đối với các nhân vật chính diện và phản diện ở trong truyện cổ tích Việt được thực hiện có phân biệt, tương xứng với tài đức, tội trạng của từng nhân vật. Cô Tấm đẹp người, đẹp nết, chịu thương chịu khó, chịu nhiều thiệt thòi, được lấy vua trở thành hoàng hậu. Thạch Sanh có tài năng, mức độ, có nhiều công tích được lấy công chúa làm vua, Sọ Dừa thì đổ trạng. Người em (trong truyện Cây Khế) là người nghèo khổ, hiền lành, thật thà nhưng không có tài năng, công tích gì đặc biệt nên chỉ được Chim thần cho vàng (vừa đầy chiếc túi “ba gang”) để trở thành giàu có mà thôi. Đối với các nhân vật phản diện, sự trừng phạt cũng có sự phân biệt rỏ rệt. Lí Thông tham tài, tham sắc, tham danh vọng, địa vị, vong ân bội nghĩa, lợi dụng, lùa gạt, cướp công và hãm hại Thạch Sanh thì bị trời đánh hoá thành kiếp bọ hung, đời đời chui rúc nơi hôi hám. Người Anh (trong truyện Cây khế) ích kỉ, tham lam thì Chim thần cũng chỉ “chiều” theo tham vọng của hắn để cho hắn phải tự chuốc lấy cái chết nhục nhã mà thôi. Còn ở truyện Tám Cám thì sự trừng phạt nhân vật phản diện có phần đặc biệt so với nhiều truyện cổ tích khác. Và đây là một trong những chổ có vấn đề đã từng gây ra sự tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu. Người thì cho Tấm trừng trị mẹ con nhà Cám như thế là phải, là thích đáng. Người thì cho cách trả thù của Tấm (giết Cám bằng nước sôi, rồi muối thành mắm...) như thế là quá quắt, trái với bản tính hiền lành vốn có của Tấm và cũng trái với truyền thống khoan dung, rộng lượng của dân tộc. Do đó có người đã đề nghị không nên đưa truyện Tấm Cám vào chương trình văn học dân gian trường phổ thông.
Quả thực cách trả thù của Tấm đối với mẹ con nhà Cám là rất đặc biệt, khác với thông lệ của truyện cổ tích. Thông thưòng trong truyện cổ tích, các nhân vật chính diện ít khi trực tiếp trả thù các nhân vật phản diện. Thạch Sanh hoàn toàn tha bổng cho mẹ con Lí Thông; người em trong truyện cây khế không hề phàn nàn, oán trách người anh tham lam; Sọ Dừa và vợ chàng cũng không hề đả động gì đến tội trạng của hai người chị gái (con phú ông)... việc trừng phạt các nhân vật phản diện trong truyện cổ tích phần lớn là do các lực lượng thần kì (Trời, Phật, Thần linh...) thực hiện, hoặc do bản thân các nhân vật tự chuốc lấy. Trái lại, ở truyện Tấm Cám, các tác giả dân gian đã để cho Tấm trực tiếp trả thù và trả thù một cách quyết liệt, dữ dội đối với mẹ con nhà Cám khiến cho tính cách của Tấm phát triển thành hai phần, hai giai đoạn khác nhau và đối lập nhau rõ rệt. Giai đoạn đầu khi còn sống (lúc còn ở nhà với dì ghẻ và Cám cũng như khi đã vào cung vua làm hoàng hậu) Tấm rất hiền lành, chịu thương, chịu khó, thậm chí rất yếu đuối (chỉ biết khóc mỗi khi gặp khó khăn) và nhẹ dạ, cả tin (nên bị Cám cướp giật liên tiếp: cướp giỏ cá, cướp quyêng đi trảy hội, cướp chồng...). Nhưng sau khi bị giết, trải qua nhiều kiếp (kiếp người, kiếp chim, kiếp xoan đào, kiếp khung cửi, kiếp thị) và trở lại làm người thì Tấm trở thành một người khác hẳn: đáo để, kiên quyết, chỉ tên vạch mặt kẻ thù đến nơi đến chốn và trừng trị chúng một cách không thương tiếc. Ở đây có sự kết hợp, hoà trộn giữa niềm tin và triết lí truyền thống “ở hiền gặp lành” của nhân dân và thuyết luân hồi, quả báo (“thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”) của đạo Phật. Vì thế mà có hai cô Tấm khác nhau rõ rệt. Cô Tấm thứ nhất (từ đầu cho đến khi trở thành hoàng hậu) về cơ bản đồng dạng với các nhân vật chính diện khác của truyện cổ tích (cuộc đời cũng gồm hai phần: phần hiện thực và phần ước mơ, phần tối tăm và phần tươi sáng). Cô Tấm thứ hai (từ khi trèo cau bị giết cho đến khi trở lại làm người trải qua nhiều kiếp khác nhau) chủ yếu là nhân vật của sự trả thù, báo ứng, không còn là nhân vật phổ biến, thông thường trong cổ tích nữa. Và đây chính là chỗ đặc biệt trong truyện Tấm Cám so với các truyện cổ tích khác. Với mức độ khác nhau, cả hai cô Tấm ấy đều phù hợp với triết lí “ở hiền gặp lành” và ước mơ công lí của nhân dân. Việc xây dựng cô Tấm thứ hai (hay giai đoạn thứ hai của nhân vật Tấm) cho thấy tác giả dân gian của truyện này có cái nhìn hiện thực xã hội rất sâu sắc và sự phản ánh ước mơ công lí của nhân dân rất triệt để.
Tác giả không bằng lòng kết thúc truyện một cách “có hậu” ở việc Tấm lấy được vua và trở thành hoàng hậu (mặc dù truyện đến đây đã khá dài và có đầy đủ các bước phát triển như nhiều truyện cổ tích thần kỳ khác).
Sự kiện bà hoàng hậu Tấm về nhà làm giỗ cha và bị mẹ con nhà Cám giết chết mở đầu cho phần thứ hai của truyện Tấm Cám, phản ánh sâu sắc và triệt để hơn xung đột quyền lợi trong xã hội phong kiến và khát vọng chính nghĩa thắng gian tà của nhân dân. Với phần thứ nhất truyện Tấm Cám chỉ mới nói được vấn đề “người hiền” có thể và cần phải được “gặp lành”. Với phần thứ hai, tác giả mới nói được rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn kinh nghiệm và lí tưởng sống của mình là: “người hiền” không dễ gì sống yên ổn với “điều lành” khi “kẻ ác” còn tồn tại, chưa bị loại bỏ.
Nếu như ở phần thứ nhất kẻ cướp công của Tấm là Cám thì ở phần thứ hai, sự căm phẫn và trả thù của Tấm cũng chủ yếu hướng vào nhân vật Cám.
Từ tiếng nói của chim Vàng Anh (“phơi bờ rào tao cào mặt ra!”) đến tiếng kêu của chiếc khung cửi (“kẻo cà kẻo kẹt - lấy tranh chồng chị - chị khoét mắt ra!”), đến việc giết Cám trong hố nước sôi đều thể hiện điều đó. Điều này chứng tỏ chủ đề chính của truyện Tấm Cám là vấn đề xung đột của hai chị em cùng cha khác mẹ, xung đột “Tám Cám” (như tên của truyện). Vấn đề mâu thuẫn gì ghẻ con chồng chỉ là chủ đề kết hợp và thứ yếu mà thôi.
Sẽ là một thiếu sót đáng kể nếu không nói đến các nhân vật thần kì, siêu nhiên, khi bàn về triết lí “ở hiền gặp lành” và ước mơ công lí của nhân dân ở trong truyện cổ tích.
Khi khát vọng công lí và niềm tin “ở hiền gặp lành” chưa có điều kiện để thực hiện được nhiều trong đời sống thực tế, tác giả truyện cổ tích đã dùng các nhân vật thần kì, siêu nhiên để thực hiện ở trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng
hay hay
Trả lờiXóa